Phân tích biến động giá cổ phiếu theo các ngày trong tuần
Thị trường chứng khoán vận động theo nhiều yếu tố khác nhau, nhưng liệu có quy luật nào về biến động giá dựa trên các ngày trong tuần? Có ngày nào thị trường dao động mạnh hay ổn định hơn không?
Mọi người thường nhắc đến "hiệu ứng thứ hai" hay "hiệu ứng cuối tuần" khi nói về biến động giá cổ phiếu. Vậy liệu những hiệu ứng này có thực sự xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam?
Để kiểm chứng, bài viết này phân tích dữ liệu từ 716 cổ phiếu niêm yết trên HOSE, HNX và một số mã thuộc Upcom. Mục tiêu đánh giá xác suất tăng/giảm giá theo từng ngày trong tuần, cũng như mức độ biến động của thị trường.
Phương pháp phân tích
Để đánh giá liệu giá cổ phiếu có xu hướng biến động theo từng ngày trong tuần hay không, Finedu đã sử dụng dữ liệu giá đóng cửa từ 716 cổ phiếu niêm yết trên HOSE, HNX và Upcom, trong đó bao gồm một số mã thuộc lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán.
- Dữ liệu được thu thập từ khi cổ phiếu niêm yết đến ngày 05/03/2025.
- Lưu ý: Một số cổ phiếu có thể trải qua giai đoạn ít giao dịch, dẫn đến số ngày tham chiếu liên tục bị phóng đại.
Xác suất tăng/giảm của các ngày trong tuần
Chúng tôi phân tích tỷ lệ số ngày tăng, giảm và không đổi theo từng ngày trong tuần để xác định liệu có xu hướng nào đáng chú ý không. Dưới đây là kết quả:


Nhận định từ dữ liệu (bảng 1):
- Thứ 2 có tỷ lệ số ngày giảm giá cao hơn số ngày tăng giá 11.37%, mức chênh lệch lớn nhất trong tuần.
- Thứ 4 có tỷ lệ số ngày tăng giá cao hơn số ngày giảm giá 6.58%, mức chênh lệch dương lớn nhất trong tuần.
- Thứ 6 có tỷ lệ số ngày tăng và giảm gần như cân bằng với mức chênh lệch 0.97%.
Phân tích mức tăng/giảm trung bình so với biên độ tối đa
Ngoài việc xem xét tỷ lệ số ngày cổ phiếu tăng/giảm, chúng tôi phân tích thêm mức tăng/giảm trung bình (%) theo từng ngày trong tuần để đánh giá mức độ dao động của giá.
Bảng dưới đây thể hiện mức tăng trung bình khi cổ phiếu tăng giá, mức giảm trung bình khi cổ phiếu giảm giá, và biên độ dao động giá (chênh lệch giữa mức tăng và giảm).


Phân tích mức tăng/giảm trung bình so với biên độ tối đa
- Trung bình, khi cổ phiếu tăng giá, mức tăng khoảng 2.9 – 3.0%.
- Khi cổ phiếu giảm giá, mức giảm dao động từ 2.6 – 2.9%.
Nhận định: So với biên độ trần/sàn của HOSE (±7%), mức dao động này cho thấy dù không đạt giới hạn tối đa, biến động giá trong ngày vẫn tương đối lớn.
Nhận định từ biên độ dao động giá (Spread) - Mức độ biến động giữa các ngày
- Biên độ dao động giá (Spread) = Mức tăng trung bình - Mức giảm trung bình, cho thấy mức độ dao động trong ngày.
- Thứ 2 có mức dao động lớn nhất (Spread = 5.969%), cho thấy đây là ngày thị trường biến động mạnh nhất.
- Thứ 6 có mức dao động thấp nhất (Spread = 5.468%), thể hiện thị trường ổn định hơn khi tiến về cuối tuần.
Xu hướng chung: Spread có xu hướng giảm dần từ Thứ 2 đến Thứ 6, nghĩa là thị trường bắt đầu tuần với mức biến động cao và dần ổn định hơn vào cuối tuần.
Nhận định từ chênh lệch tuyệt đối
- Thứ 6 có mức chênh lệch tuyệt đối cao nhất (+0.316%), phản ánh tỷ lệ tăng giá vượt trội hơn so với giảm giá.
- Thứ 2 có mức chênh lệch tuyệt đối thấp nhất (+0.187%), cho thấy mức tăng và mức giảm gần như cân bằng.
Xu hướng chung: Chênh lệch tuyệt đối có xu hướng tăng dần từ Thứ 2 đến Thứ 6, phản ánh rằng càng về cuối tuần, giá cổ phiếu có xu hướng tăng nhiều hơn so với mức giảm.
Tổng kết phân tích: Xu hướng biến động giá cổ phiếu theo ngày trong tuần

Đầu tuần (Thứ 2, Thứ 3):
- Số lượng cổ phiếu giảm nhiều hơn tăng, cho thấy áp lực bán cao hơn.
- Tuy nhiên, mức tăng trung bình (khoảng 2.9–3.0%) vẫn lớn hơn mức giảm trung bình (khoảng -2.7–2.9%), cho thấy vẫn có cơ hội tăng tốt dù số lượng cổ phiếu tăng ít hơn.
- Biến động giá mạnh nhất vào thứ 2 (spread cao nhất gần 6%), giảm dần vào cuối tuần.
Cuối tuần (Thứ 4–6):
- Số lượng cổ phiếu tăng dần chiếm ưu thế trở lại, đặc biệt là thứ 4.
- Biến động giá (spread) giảm dần, thị trường trở nên ổn định hơn.
- Mức tăng trung bình vẫn ổn định và nhỉnh hơn mức giảm, cho thấy cuối tuần có xu hướng tích cực rõ rệt.
Đánh giá chung:
- Thị trường Việt Nam dao động khá mạnh (spread khoảng 5.5–5.9%), đặc biệt trong bối cảnh biên độ tối đa chỉ ±7%.
- Đầu tuần thích hợp giao dịch ngắn hạn do biến động cao, trong khi cuối tuần thị trường ổn định hơn và nghiêng về xu hướng tăng, thích hợp hơn cho các vị thế dài hạn hoặc an toàn.
Luu ý: Tỷ lệ tăng/giảm giữa các ngày và mức chênh lệch phần trăm cho thấy xu hướng cụ thể, tuy nhiên biên độ không đủ lớn để kết luận chính xác. Nhà đầu tư nên sử dụng kết quả này như một nguồn tham khảo và kết hợp với các yếu tố khác trong chiến lược đầu tư của mình.